Nhiệt điện Quảng Ninh tổ chức đào tạo, học tập kinh nghiệm về chuyển dịch năng lượng tái tạo và điện sinh khối

Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII), Chính phủ sẽ ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo; trong đó định hướng thực hiện chuyển đổi nhiên liệu sang sinh khối và amoniac với các nhà máy nhiệt điện than đã vận hành được 20 năm khi giá thành phù hợp, đảm bảo hiệu quả kinh tế của nhà máy. Đối với Công ty cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh, bên cạnh việc vận hành hiệu quả các tổ máy hiện hữu thì ngay từ bây giờ cần thiết có kế hoạch nghiên cứu các loại hình chuyển đổi nhiên liệu cho các tổ máy nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững cho Công ty. Trong đó, loại hình nhiên liệu sinh khối là một hướng nghiên cứu khả thi.

Điện sinh khối được xem là một nguồn năng lượng tái tạo và thân thiện với môi trường, vì nguyên liệu sử dụng đều là các tài nguyên tái tạo và không gây ra phát thải khí nhà kính nếu được quản lý đúng cách. Năng lượng sinh khối ở Việt Nam giúp giảm sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng hóa thạch và có tiềm năng để làm giảm ô nhiễm môi trường do việc cháy các chất thải hữu cơ; tuy nhiên lĩnh vực này vẫn đang gặp nhiều thách thức và chưa thật sự phát triển trong những năm gần đây.

Trung Quốc là quốc gia phát triển rất mạnh mẽ điện sinh khối, địa nhiệt, điện rác và từ các nguồn năng lượng tái tạo khác. Các vấn đề được ngành năng lượng Trung Quốc cũng như các nước phát triển khác trên thế giới quan tâm bao gồm nâng cao hiệu quả công tác vận hành, công tác quản trị các nhà máy điện hiện hữu; nghiên cứu chuyển đổi loại hình nhiên liệu cho nhà máy điện phù hợp với cam kết Net Zero tại COP26, phát triển năng lượng tái tạo và xu hướng phát triển bền vững lâu dài của các nhà máy nhiệt điện trong tương lai, đồng thời với đó giải quyết được vấn đề xử lý rác thải và tăng lượng hấp thụ carbon. Kể từ năm 2006, với các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, đầu tư vào lĩnh vực điện sinh khối đã đạt kết quả tích cực, tăng cả về công suất, sản lượng và số lượng các dự án đầu tư. Hiện nay, trên cả nước có khoảng 1400 dự án đầu tư điện sinh khối với quy mô đa dạng. Mỗi năm, ước tính Trung Quốc có thêm từ 6500 đến 7000 MW công suất điện sinh khối mới và duy trì xu hướng tăng trưởng theo thời gian.

Với mục tiêu nghiên cứu về loại hình nhiên liệu sinh khối cùng các nội dung về quản trị doanh nghiệp, quản lý kỹ thuật vận hành và sửa chữa; đồng thời trực tiếp quan sát, học tập tại Nhà máy Nhiệt điện sinh khối thân thiện với môi trường của Trung Quốc, tháng 12/2024, Công ty đã tổ chức chương trình đào tạo thực tế cho 02 đoàn nhân sự gồm kỹ thuật viên, nhân viên, công nhân vận hành của Công ty tại tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc.

Trong chương trình, 02 đoàn của Công ty đã được học tập, tìm hiểu về tổng quan Hệ thống điện Trung Quốc và của tỉnh Quảng Đông; các loại hình nhà máy nhiệt điện; kiến thức về Điện sinh khối và Nhà máy nhiệt điện sinh khối …; và được trực tiếp học tập thực tế tại Nhà máy điện Tín Hoan Chu Hải (Quảng Đông, Trung Quốc). Đây là dự án nhiệt điện sinh khối thân thiện với môi trường được đầu tư, xây dựng theo mô hình BOT thực hiện "xử lý miễn phí rác thải sinh hoạt tại thành phố Chu Hải”.

 

Nhà máy điện Tín Hoan Chu Hải - Dự án nhiệt điện sinh khối thân thiện với môi trường tại thành phố Chu Hải (Quảng Đông, Trung Quốc)

Nhà máy Nhiệt điện Tín Hoan Chu Hải được đầu tư, xây dựng và vận hành thuộc Dự án nhiệt điện sinh khối thân thiện với môi trường của Công ty TNHH Bảo vệ Môi trường Châu Hải Tân Hoan - Công ty con của Công ty TNHH Môi trường Kangheng Thượng Hải. Đây là dự án đầu tiên của khu công nghiệp và là dự án trọng điểm của Thành phố Chu Hải. Giai đoạn 1 và 2 của chịu trách nhiệm xử lý rác thải sinh hoạt trên toàn thành phố: Giai đoạn 1 có công suất xử lý 1.200 tấn/ngày, khởi công xây dựng vào tháng 8/2015 và đi vào hoạt động vào tháng 11/2016; Giai đoạn 2 có công suất xử lý 1.800 tấn/ngày, khởi công xây dựng vào tháng 3/2019 và đi vào hoạt động vào tháng 5/2020.

 

  Đại diện Nhà máy Nhiệt điện Tín Hoan Chu Hải giới thiệu về tổng quan Nhà máy với Đoàn công tác QTP

Trong thời gian làm việc, các thành viên trong Đoàn công tác Công ty đã trực tiếp quan sát hệ thống thiết bị, quy trình quản lý vận hành,  tiếp thu từ phía Nhà máy với nhiều thông tin, kinh nghiệm thực tế hữu ích trong các lĩnh vực quản lý kỹ thuật, vận hành các tổ máy, xây dựng kế hoạch sản xuất, an toàn lao động và môi trường …

            

 

 

Các kỹ thuật viên, công nhân vận hành Công ty trực tiếp tham quan và trao đổi thực tế về công nghệ, quy trình vận hành tại Nhà máy Nhiệt điện Tín Hoan Chu Hải

    

Trực tiếp quan sát quá trình vận hành, xử lý nguyên liệu sinh khối đầu vào

Quy định về an toàn vệ sinh lao động theo quy định, quy chuẩn của Trung Quốc cũng được Nhà máy chú trọng đặt lên hàng đầu. Toàn bộ khu vực quan sát quy trình vận hành bên trong nhà máy được ngăn cách bằng kính, đảm bảo an toàn và không có có mùi từ nhiên liệu đốt rác. Sản phẩm của chất cháy được chia làm 2 phần: Tro, xỉ được tận dụng để làm vật liệu xây dựng; Khói thải được đưa qua hệ thống tháp hấp thụ, lọc bụi, hệ thống xử lý khói thải trước khi thải ra ngoài môi trường.  Đây là những nội dung thiết thực, ý nghĩa đối với Đoàn công tác QTP để học hỏi và nghiên cứu khả năng áp dụng tại Công ty trong tương lai, khi Công ty cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh có vị trí tại ven thành phố Hạ Long, có tiềm năng phù hợp để sử dụng nguồn nguyên liệu sinh khối kết hợp với xử lý rác thải cho thành phố.

  

Các đoàn học tập tìm hiểu về chính sách phát triển năng lượng tái tạo của Trung Quốc

Cũng trong khuôn khổ chương trình đào tạo, các Đoàn cũng  được tìm hiểu về chính sách phát triển năng lượng tái tạo và những yếu tố thành công của Trung Quốc, đó là: đối với sản xuất năng lượng tái tạo, Nhà nước Trung Quốc xây dựng một quy trình khảo sát tài nguyên và quy hoạch phát triển chặt chẽ giữa các cấp bao gồm: Cục Năng lượng của Hội đồng Nhà nước, các cơ quan năng lượng của Hội đồng Nhà nước, các cơ quan năng lượng của địa phương và cơ quan địa phương đồng cấp. Điều này được quy định rõ trong “Luật Năng lượng tái tạo Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”; Về giá cả năng lượng tái tạo, Trung Quốc áp dụng cơ chế chia sẻ chi phí quy định, phụ phí bán điện sẽ sử dụng để trả cho giá điện. Bên cạnh đó, Nhà nước thành lập Quỹ Phát triển năng lượng tái tạo, cung cấp các khoản vay ưu đãi thấp hơn 6% từ Ngân hàng Phát triển Trung Quốc và ban hành các ưu đãi thuế như miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho việc phát triển năng lượng tái tạo để đảm bảo giá điện năng lượng tái tạo không cao hơn giá điện nối lưới. Kinh nghiệm từ Trung Quốc cho thấy, phát triển năng lượng tái tạo phải gắn với hỗ trợ về vốn, về giá bởi giai đoạn xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển quy mô ngành và công nghệ đòi hỏi rất nhiều nguồn lực trong giai đoạn đầu.

Việc học hỏi từ kinh nghiệm từ một nước đi đầu về năng lượng tái tạo như Trung Quốc và thực tiễn tại Nhà máy điện sinh khối Tín Hoan Chu Hải đã mang lại  nhiều ý nghĩa thiết thực cho lực lượng chuyên viên, kỹ thuật viên nòng cốt của Công ty cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh trong việc xây dựng những kế hoạch cụ thể về chuyển dịch năng lượng tái tạo. Trong đó mở ra hướng đi khả thi về việc Công ty thực hiện phương án đồng đốt sinh khối với than với chi phí chuyển đối thấp, sử dụng được lò đốt than và đón đầu các chính sách, cơ chế ưu tiên của Chính phủ đối với sử dụng năng lượng tái tạo và giảm rác thải./.


  • Phòng HCLĐ


Các Tin khác