Công ty cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh tổ chức Hội nghị đánh giá, tổng kết kinh nghiệm công tác phòng chống và khắc phục hậu quả bão số 3 (Yagi)

Ngày 16/10/2024, Công ty cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh tổ chức Hội nghị tổng kết kinh nghiệm công tác phòng chống và khắc phục hậu quả cơn bão số 3 (Yagi). Hội nghị nhằm đánh giá về công tác công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả bão Yagi của các đơn vị, thảo luận các giải pháp, phương án phòng chống và khắc phục hậu quả khi xảy ra các sự kiện thiên tai, địch họa trong thời gian tới.

          Hội nghị đánh giá, tổng kết kinh nghiệm công tác phòng chống và khắc phục hậu quả bão số 3 (Yagi)

Hội nghị do đồng chí Nguyễn Tuấn Anh, Bí thư Đảng ủy  - Chủ tịch HĐQT Công ty chủ trì, tham dự Hội nghị có các đồng chí trong Ban Tổng giám đốc, cán bộ quản lý các đơn vị, đại diện Tổ trưởng ca và Công đoàn Công ty.

Ngay khi bão YAGI còn ở phía Đông Philippines, thực hiện các Công điện của Chính Phủ (Công điện khẩn số 86/CĐ-TTg ngày 3/9; tiếp theo đó là Công điện số 87/CĐ-TTg ngày 5/9 và số 88/CĐ-TTg ngày 6/9) và các cấp bộ ngành, cấp trên, Ban lãnh đạo Công ty và Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Công ty đã chỉ đạo xây dựng phương án ứng phó với bão với tinh thần chủ động, phòng ngừa, ứng phó ở mức cao nhất, đồng thời phổ biến, tuyên truyền đến các đơn vị và NLĐ theo dõi, nắm bắt tình hình, diễn biến của bão, chuẩn công tác ứng phó theo tình hình diễn biến thực tế.  Các đơn vị đã chủ động thực hiện các công tác ứng phó, đảm bảo sản xuất: Khơi thông, xúc than bùn dưới rãnh thoát nước quanh các kho than hở, kho kín 1 và kho kín 2 (PX Nhiên liệu); Lên phương án bố trí nhân lực, trang thiết bị, phương tiện, vật tư (bơm quăng di động, chuẩn bị công cụ dụng cụ cuốc, xẻng, xe rùa …) để kịp thời xử lý tình huống ngập lụt tại các vị trí xung yếu như trạm biến áp, các hầm cáp, các nhà thiết bị điện cos 0.0m (PX Vận hành); Chuẩn bị nhân lực, phương tiện, máy móc khi có yêu cầu khắc phục sự cố có thể xảy ra do mưa, bão  (các phân xưởng sửa chữa); Kiểm tra tổng thể dọc tuyến ống Cao vân, kiểm tra 02 tuyến đường dây Đồng Đăng-Hòa Bình và Dương Huy-Cẩm Phả cấp điện cho trạm bơm; chặt, phát các cành và cây theo hành lang an toàn có nguy cơ đổ vào đường dây khi bão đổ bộ (PX Hóa); chuẩn bị nhu yếu phẩm, lương thực, thực phẩm phục vụ CBCNV trực phòng chống bão, trực vận hành đáp ứng từ 3-5 ngày, chuẩn bị sẵn sàng các xe ô tô, xe cấp cứu và các phương tiện khác phục vụ công tác đưa đón CBCNV, NLĐ trực bão, công tác cứu nạn, cứu hộ (phòng HCLĐ) …

Trong thời gian cao điểm bão đổ bộ vào thành phố Hạ Long, toàn bộ Ban lãnh đạo Công ty và cán bộ quản lý các đơn vị đã tham gia ứng trực tại các vị trí 24/24 để trực tiếp chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống bão số 3. Khi đồng loạt các tổ máy của Công ty  phải dừng hoạt động theo yêu cầu từ Hệ thống, lực lượng kỹ thuật viên đã có mặt tại phòng trung tâm điều khiển hỗ trợ nhân viên vận hành xử lý, khắc phục kịp thời.

Đồng chí Nguyễn Việt Dũng – Tổng giám đốc Công ty phát biểu tại Hội nghị

Bão số 3 (Yagi) là cơn bão lịch sử với cường độ rất mạnh, sức tàn phá rất lớn, gây mưa lớn tại 26 tỉnh, thành phố khu vực phía bắc, đây cũng là cơn bão có cường độ tăng rất nhanh, chỉ trong 24 giờ cường độ bão tăng 8 cấp và duy trì cấp siêu bão, gây hậu quả rất nặng nề về người và tài sản, tác động tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh và sinh kế của người dân. Đối với Công ty cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh do nằm ở vùng mà tâm bão trực tiếp đi qua nên cũng chịu nhiều ảnh hưởng, thiệt hại  về cơ sở nhà xưởng và vật kiến trúc, hạ tầng công nghệ thông tin. Do ảnh hưởng của Bão làm hệ thống điện vận hành không ổn định, dẫn đến các tổ máy của Nhà máy Nhiệt điện Quảng Ninh phải dừng hoạt động để đảm bảo an toàn. Nhiều vị trí mặt bằng, nhà xưởng của Công ty bị hư hại, toàn bộ cây xanh trong nhà máy bị đổ gẫy, hệ thống biển báo bị hư hại,..  Khi bão tan, Ban lãnh đạo Công ty  chỉ đạo tập trung nhân lực đánh giá, kiểm tra các điều kiện hoạt động các tổ máy sớm đưa vận hành trở lại; khẩn trương thực hiện thống kê thiệt hại; đưa các biện pháp, giải pháp khắc phục. Đến thời điểm hiện tại, Công ty không có thiệt hại về người, các tổ máy đã vận hành ổn định trở lại; công tác vệ sinh mặt bằng đã cơ bản hoàn thành, công tác khắc phục công trình đang gấp rút hoàn thành.

 

 

 

 Đại diện các đơn vị phát biểu thảo luận tại Hội nghị

Bên cạnh những kết quả đạt được trong triển khai ứng phó, khắc phục hậu quả bão và mưa lũ sau bão, Hội nghị cũng đánh giá những khó khăn, hạn chế trong công tác ứng phó với thiên tai cấp siêu bão. Các kịch bản, phương án với những tình huống thiên tai lớn của Công ty còn hạn chế, chưa lường trước được sức tàn phá của siêu bão. Việc cảnh báo tác động, nguy cơ thiệt hại do bão, mưa lũ còn chưa cụ thể; Khả năng chống chịu cơ sở hạ tầng còn thấp trước sức tàn phá của bão, lũ...; Phương án ứng trực, khắc phục chưa lường hết được mức độ nguy hiểm của siêu bão; Phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác ứng phó thiên tai, cứu hộ cứu nạn còn thiếu, nhất là khi xảy ra tình huống trong điều kiện thời tiết phức tạp như gió bão, mưa lũ lớn; Việc gián đoạn hệ thống thông tin liên lạc gây khó khăn cho công tác xử lý và huy động nhân lực…

Đồng chí Nguyễn Tuấn Anh – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Công ty phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

     Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Tuấn Anh – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Công ty biểu dương tập thể CBCNV Công ty, đặc biệt là các lực lượng chủ chốt như vận hành, sửa chữa, kỹ thuật, lực lượng phục vụ hậu cần … trực tiếp ứng phó tại hiện trường. Đồng chí Nguyễn Tuấn Anh đánh giá cao sự phối hợp giữa các đơn vị, mặc dù bão số 3 là cơn bão rất mạnh đổ bộ vào nước ta, xong công tác ứng phó, khắc phục hậu quả bão, mưa lũ được sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt từ sớm từ xa của lãnh đạo và sự nỗ lực của CBCNV. Bài học kinh nghiệm chính là phải chủ động, không được chủ quan lơ là, cần sự vào cuộc quyết liệt của tập thể đội ngũ lãnh đạo; có chính sách kịp thời phù hợp; phân công nhiệm vụ rõ ràng; vận dụng linh hoạt phương châm "4 tại chỗ: Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện vật tư tại chỗ, hậu cần tại chỗ" phù hợp là hết sức cần thiết, cùng với vai trò, kinh nghiệm, sự hiểu biết về thiên tai của người đứng đầu đơn vị có ý nghĩa quyết định trong giảm thiểu thiệt hại do thiên tai và khắc phục hậu quả. Bão số 3 đi qua đã gây ra những tổn thương nghiêm trọng, những cũng để lại những bài học lớn về tổ chức, chỉ đạo phối hợp phòng, chống thiên tai liên quan đến chính sách, chiến lược, hạ tầng, nhân lực,… Vì vậy, cần rà soát, điều chỉnh quy chế, quy hoạch, kế hoạch … về cung ứng vật tư, hậu cần, đảm bảo đời sống NLĐ..

     Về nhiệm vụ, phương án phòng chống và khắc phục hậu quả khi xảy ra các sự kiện thiên tai, địch họa trong thời gian tới, Chủ tịch HĐQT Công ty yêu cầu:

     (1) Xây dựng phương ứng phó với thảm họa thiên tại theo nhiều cấp độ, trong đó có cấp độ siêu bão; phải có  phân công nhiệm vụ cụ thể trước, trong, sau bão; truyền thông từ sớm từ xa.

     (2) Xây dựng phương án vận hành và vật tư, thiết bị,  nhiên liệu an toàn, hiệu quả trong bão, lũ.

     (3) Rà soát lại thiết kế các công trình hạ tầng cơ sở, đánh giá lại mức độ an toàn với cấp độ nào. Nghiên cứu giải pháp về thông tin liên lạc chủ động cho Công ty trong tình huống thiên tai, khẩn cấp.

     (4) Chủ động về con người, vật tư thiết bị dự phòng trong phòng chống bão; nêu cao ý thức trách nhiệm trong phòng chống, khắc phục hậu quả, phân giao nhiệm vụ rõ ràng, gắn trách nhiệm với từng cá nhân, đơn vị.

      (5) Kiểm soát đánh giá rủi ro của các thiết bị trên cao có nguy cơ rơi khi có gió bão; gia cố lại các điểm xung yếu trong toàn bộ Công ty.

Tại Hội nghị, Lãnh đạo Công ty đã trao giấy khen cho đại diện các cá nhân có thành tích trong công tác ứng phó bão số 3 vừa qua.

  

Lãnh đạo Công ty trao giấy khen cho đại điện cá nhân có thành tích trong công tác ứng phó bão số 3


  • Phòng HCLĐ