EVNGENCO1 đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ

Tổng công ty Phát điện 1 (EVNGENCO1) đã và đang đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong các hoạt động sản xuất - kinh doanh; đồng thời, chú trọng đào tạo và phát triển nguồn nhân lực để nhanh chóng tiếp thu những tri thức mới, áp dụng vào thực tiễn để nâng cao hiệu quả vận hành, các chỉ tiêu về tài chính, đầu tư xây dựng và năng suất lao động

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã ban hành Quyết định 290/QĐ-EVN ngày 6/11/2018, về việc “Phê duyệt Đề án Nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) vào hoạt động sản xuất kinh doanh của EVN”.

Trong đó, đặt mục tiêu xây dựng EVN trở thành doanh nghiệp số trên cơ sở ứng dụng các công nghệ số, công nghệ thông tin và công nghệ của cuộc cách mạng này cho mọi hoạt động từ sản xuất, truyền tải, phân phối, kinh doanh và dịch vụ khách hàng, nhằm mục đích đưa EVN thành Tập đoàn mạnh, phát triển bền vững, hiệu quả, có dịch vụ khách hàng tốt, phấn đấu trở thành Tập đoàn hàng đầu trong khu vực.

Trung tâm điều hành Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải.

Là đơn vị sản xuất điện, theo đó, thực hiện sự chỉ đạo của EVN, trong thời gian qua, EVNGENCO1 đã quyết liệt thực hiện công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ và những thành tựu của cách mạng khoa học công nghệ vào sản xuất - kinh doanh.

Cụ thể, EVNGENCO1 đã chỉ đạo quyết liệt các đơn vị thành viên, yêu cầu hoàn thành đăng ký, phê duyệt danh sách đề tài/ đề tài ứng dụng dự kiến triển khai tại các đơn vị trong giai đoạn từ nay đến năm 2025.

Mặt khác, EVNGENCO1 khuyến khích các cán bộ công nhân viên, người lao động tại các đơn vị trực thuộc tham gia nghiên cứu khoa học, đề xuất các sáng kiến và giải pháp kỹ thuật có tính ứng dụng cao vào hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Kho than Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 3.

Nhiều đề tài nghiên cứu khoa học của EVNGENCO1 đã được EVN phê duyệt, trong đó có đề tài: “Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo) nhận dạng, hiệu chỉnh hệ thống điều khiển cấp nhiên liệu, ứng dụng cho nhà máy điện Duyên Hải 1, Duyên Hải 3”. Đây là đề tài do Công ty Nhiệt điện Duyên Hải triển khai thực hiện. Theo đánh giá, sau 10 tháng nghiên cứu, bước đầu đã đạt kết quả khoa học nhất định.

Theo đó, đã xây dựng và dần hoàn thiện mô hình động học lò hơi cơ bản Matlab/Simulink; rà soát và đánh giá tình trạng vận hành của các mạch vòng điều khiển cơ bản của các tổ máy Duyên Hải 1 và Duyên Hải 3, đưa ra các giải pháp có thể khắc phục; làm chủ thiết kế và luyện mạng noron trên môi trường Matlab/Simulink; nghiên cứu phương pháp luận hiệu chỉnh lượng đặt mạch điều khiển cấp nhiên liệu tổ máy S1 Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 1, những yêu cầu về tín hiệu đầu vào, đầu ra, cách kết nối với hệ thống DCS...

Đến nay, nghiên cứu đã hoàn thiện khoảng 90% khối lượng và sẽ hoàn thành kịp tiến độ được giao vào tháng 6/2020. Khi được áp dụng vào thực tế, ứng dụng trên sẽ làm giảm lượng nhiên liệu đốt dư thừa do hệ thống điều khiển gây ra, qua đó làm giảm suất hao nhiên liệu, tiết kiệm chi phí sản xuất cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, hiện nay, EVNGENCO1 đang triển khai nghiên cứu nhiều đề tài khác như: “Nghiên cứu giải pháp cải tiến hệ thống bốc dỡ than cảng 2 bốc than cho Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 1”; “Nghiên cứu chuyển đổi nguồn tự dùng 6,6 kV của nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn 1”; “Hệ thống điều khiển nhà máy điện thông minh, trung tâm quản lý vận hành Smart OCC tại cụm nhà máy Thủy điện Đồng Nai 3, Đồng Nai 4”…

Trong thời gian tới, để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch đề ra, EVNGENCO1 sẽ phối hợp với các đơn vị đã ký kết Biên bản ghi nhớ như Đại học Bách khoa Hà Nội, Công ty CP Tư vấn Xây dựng điện 1... xây dựng các đề tài, đề án có khả năng áp dụng trong thực tiễn sản xuất của Tổng công ty.

Đặc biệt, để phát huy tốt mọi nguồn lực, EVNGENCO1 sẽ kiện toàn nhân sự Ban Chỉ đạo CMCN 4.0 và Tổ giúp việc; xây dựng cơ chế khuyến khích cán bộ công nhân viên, người lao động trong Tổng công ty tham gia nghiên cứu khoa học, đề xuất sáng kiến; ưu tiên sử dụng nguồn vốn đầu tư phát triển từ năm 2020 trở đi để đầu tư cho các đề tài, đề án và trang thiết bị có hàm lượng khoa học công nghệ cao; đồng thời nghiên cứu hình thức sử dụng và quy trình giải ngân quỹ khoa học công nghệ phù hợp với các quy định hiện hành./.


  • Theo Năng lượng Việt Nam