Tác phong làm việc chuyên nghiệp là chìa khóa của thành công

Tác phong, phong cách làm việc là một bộ phận của văn hóa tổ chức/doanh nghiệp.Tác phong được định nghĩa là “lề lối và cách thức làm việc và đối xử” (Nguyễn Lân, 2002: Từ điển Từ và ngữ Hán – Việt). Phong cách là cách thức làm việc, ứng xử có những nét riêng, tạo nên đặc trưng của một chủ thể.

Xã hội Việt Nam đang tồn tại tác phong tốt và tác phong xấu. Tác phong xấu là làm việc đại khái, tùy tiện, luộm thuộm, cẩu thả, thiếu trật tự và kỷ luật; nói năng thô tục… thiếu văn hóa. 

Tác phong đẹp là sản phẩm của một nền văn hóa của tổ chức mạnh, môi trường làm việc văn minh và người lãnh đạo có tâm, có tài. Nhìn chung, tác phong làm việc và sinh hoạt của nhân viên là sản phẩm của môi trường tổ chức. Tác phong và phong cách tốt, nhất là từ phía người lãnh đạo có tác dụng truyền cảm hứng, cổ vũ cho sự phát triển con người và văn hóa tổ chức. Một khi tác phong tốt đã trở thành quy tắc ứng xử, cách thức và lề lối làm việc, sinh hoạt chung của tổ chức, thì sẽ trở thành tài sản và động lực giúp tổ chức đó hoạt động hiệu quả và phát triển bền vững.

Biểu hiện tập trung tác phong tốt của các tổ chức công, các đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp là tác phong làm việc chuyên nghiệp. Đó là sản phẩm của quản trị doanh nghiệp/tổ chức hiện đại với các tiêu chí làm việc có tinh thần, thái độ, kiến thức và kỹ năng đạt chuẩn của công việc mà nghề nghiệp đòi hỏi. Mục tiêu/đầu ra của tác phong chuyên nghiệp là đạt kết quả làm việc với hiệu suất cao, đúng kế hoạch/hợp đồng, chất lượng đảm bảo, tuân thủ pháp luật và các quy chuẩn, có đạo đức nghề nghiệp, thỏa mãn yêu cầu của khách hàng… 

Song tác phong không chỉ thể hiện ở nơi làm việc mà còn ở nơi sinh hoạt, nên tính chuyên nghiệp cũng cần có trong việc tổ chức, quản lý các hoạt động tập thể như văn nghệ, thể thao, teambuiding… tạo nên phong cách của văn hóa tổ chức. Thiếu tính chuyên nghiệp trong tác phong và phong cách làm việc, sinh hoạt của mình, tổ chức sẽ hoạt động thiếu hiệu quả, ổn định và nề nếp cần thiết. Như vậy, không thể có được một nền văn hóa tổ chức mạnh và đẹp.

Tác phong chuyên nghiệp là điều kiện tạo nên sự thành công của mỗi người

Tác phong chuyên nghiệp có những đặc điểm chung, riêng, chịu sự chi phối của nghề nghiệp và văn hóa tổ chức, theo công việc 

và chức danh cụ thể, thậm chí còn phải căn cứ vào đặc điểm thể chất và sở trường, sở đoản của mỗi người. Nhìn chung, yêu cầu đối với người lãnh đạo luôn đòi hỏi cao và phức tạp hơn so với nhân viên. Theo chúng tôi, trong các doanh nghiệp và cơ quan ngành Điện, nhiệm vụ xây dựng tác phong chuyên nghiệp cho nhân viên cần đạt được một số tiêu chí sau đây:

  -  Tuân thủ luật pháp, kỷ luật lao động và các quy chế của đơn vị.

  - Làm việc có kỹ năng, có chất lượng và năng suất cao.

  - Tinh thần hợp tác tốt, ứng xử thân thiện, đoàn kết với mọi người.

  - Không ngừng học hỏi và cầu tiến bộ, phát huy năng lực sáng tạo trong công việc.

  - Có thái độ coi trọng thời gian, làm việc theo kế hoạch, đảm bảo đúng giờ.

  - Đảm bảo sự an toàn, gọn gàng, vệ sinh sạch sẽ nơi làm việc và nơi sinh hoạt.

  - Ứng xử, giao tiếp với mọi người lịch sự, văn minh; không quan liêu, nhũng nhiễu khách hàng.

  - Coi trọng danh dự cá nhân, đạo đức nghề nghiệp và các giá trị chuẩn mực của tổ chức/doanh nghiệp.

Tác phong không phải là tố chất tự nhiên mà là sản phẩm của quá trình trải nghiệm, học tập, nhất là hình thức tự học, “vừa làm vừa học.” Nguyên tắc học tập là phải chủ động, chọn lọc, sáng tạo, cái gì tốt đẹp thì ta trân trọng ghi nhận, tiếp thu, cái gì xấu kém thì cần thải loại. 

Tác phong chuyên nghiệp là điều kiện cần cho sự tiến bộ và thành công, thành đạt của mỗi con người. Tác phong chuyên nghiệp chính là sự tổng kết, tạo dựng và là tinh hoa của khung năng lực mỗi cá nhân, trở thành các hành vi tự nhiên và thói quen trong giải quyết công việc, sao cho đạt hiệu quả, năng suất và chất lượng cao. Khi có tác phong chuyên nghiệp, bạn sẽ có được tín nhiệm từ cấp trên, đồng nghiệp, khách hàng, đối tác… Đến khi bạn có phong cách đẹp bạn sẽ trở thành người có khả năng gây ảnh hưởng tích cực với xã hội, là người có tố chất lãnh đạo. Vậy, mỗi người cần bắt đầu sớm và không bao giờ từ bỏ việc tự xây dựng tác phong, phong cách làm việc chuyên nghiệp của mình.


  • Nguồn: TCĐL Chuyên đề Quản lý và Hội nhập