Đạo đức doanh nghiệp hay chất lượng sản phẩm là yếu tố quyết định?

Danh tiếng của doanh nghiệp đang được người tiêu dùng định hình thông qua cảm nhận đối với sản phẩm hơn là đạo đức và sự trung thực của doanh nghiệp. Kết luận này có vẻ đúng nếu chúng ta nhìn vào trường hợp của Tập đoàn Samsung.

Phó Chủ tịch tập đoàn Samsung, ông Jay Y. Lee xin lỗi người dân Hàn Quốc vì  liên quan tới những scandal chính trị

Ngày 17/2 vừa qua, người thừa kế tập đoàn Samsung, ông Lee Jae-yong, hiện nắm cương vị Phó Chủ tịch Samsung Electronics bị bắt vì liên quan tới những scandal chính trị. Tuyên bố chính thức của Tòa án quận trung tâm Seoul về việc bắt tạm giam Phó Chủ tịch Tập đoàn Samsung, ông Lee Jea Yong đã tạo ra cơn địa chấn trong làng chính trị cũng như kinh tế của Hàn Quốc. Không những vậy, thông tin trên còn gây chú ý trên toàn thế giới, nhất là các quốc gia có tham gia chuỗi sản xuất của tập đoàn này như Việt Nam.

Ngay sau thông tin này, giá cổ phiếu của Tập đoàn mất 1,8%. Tuy nhiên con số này chưa là gì nếu so với thời điểm Tập đoàn công bố thông tin tạm hoãn giao hàng do lỗi pin hoặc khai tử điện thoại Samsung Galaxy Note 7. Khi đó cổ phiếu Tập đoàn này giảm tới 3% và 8% chỉ trong một ngày.

Kết quả báo cáo mới nhất của công ty PR Weber Shandwick và công ty tư vấn nghiên cứu KRC qua việc khảo sát 2.100 người tiêu dùng và 1.050 giám đốc điều hành cấp cao trên 21 quốc gia, sẽ phần nào giải thích lí do cho sự chênh lệch trên. Theo báo cáo này, thế giới đang ở giữa một “cuộc cách mạng của người tiêu dùng”, có nghĩa là uy tín của doanh nghiệp đang gặp nhiều rủi ro. Người tiêu dùng luôn quan tâm tới việc “Tôi nhận được gì?” và các doanh nghiệp phải nỗ lực trả lời câu hỏi này.

Tại Vương quốc Anh, 33% số người tiêu dùng được khảo sát quan tâm tới những sản phẩm nào tốt đối với họ. Trong khi tại CHLB Đức, con số này lên tới 43% và tại Ý là 60%. Trên toàn cầu, có tới 47% người tiêu dùng được hỏi quan tâm tới việc sản phẩm của các doanh nghiệp có tốt hoặc đem lại lợi ích cho sức khỏe của họ hay không so với 40% quan tâm tới sự trung thực và đạo đức của các doanh nghiệp.

Theo Andy Polansky, CEO của Weber Shandwick, kết quả nghiên cứu này nhấn mạnh nhu cầu cá nhân hóa ngày càng cao các câu chuyện của doanh nghiệp. “Bên cạnh các cam kết của doanh nghiệp nhằm giải quyết các vấn đề xã hội rộng lớn, ngày nay các câu chuyện sẽ phù hợp nhất khi chúng liên quan trực tiếp đến lợi ích của chính người tiêu dùng, Truyền thông, tiếp thị và R&D cần phải được tích hợp nhiều hơn bao giờ hết để thực hiện được mô hình danh tiếng mới này”, ông cho biết.

Nghiên cứu mới nhất của Weber Shandwick về danh tiếng của doanh nghiệp cho thấy rằng các yếu tố tác động đến việc hình thành danh tiếng đang dịch chuyển. Những doanh nghiệp nhận ra và đáp ứng với những thay đổi mới này sẽ giành chiến thắng trái tim và tâm trí của người tiêu dùng. Các phương tiện truyền thông xã hội cũng là các yếu tố gây ảnh hưởng mà người tiêu dùng ngày càng ý thức cao. Có 23% người tiêu dùng tham gia vào nghiên cứu này nói rằng họ có một “kết nối ngày càng tăng” với các doanh nghiệp mà họ mua sản phẩm thông qua nền tảng mạng xã hội.

Điều này cho thấy chất lượng sản phẩm, dịch vụ chăm sóc khách hàng là những giá trị các doanh nghiệp cần phải chú trọng hiện nay, tuy nhiên, cũng không thể vì vậy mà coi thường đạo đức nghề nghiệp. Bởi xét cho cùng, người tiêu dùng sẽ chỉ mua hàng của bạn khi bạn là một người trọng chữ "tín"!


  • Nguồn: Trí thức trẻ