Chào sàn với giá gần gấp đôi giá trị sổ sách, Nhiệt điện Quảng Ninh có gì hấp dẫn?

Giá trị sổ sách chưa đến 6.200 đồng nhưng cổ phiếu QTP sẽ chào sàn với giá 11.200 đồng/cổ phiếu

Biên lợi nhuận cao hơn doanh nghiệp cùng ngành do gần nguồn than

Theo thông tin từ Sở GDCK Hà Nội (HNX), 450 triệu cổ phiếu của CTCP Nhiệt điện Quảng Ninh (Mã: QTP) giao dịch trên UPCoM từ ngày mai, 16/03/2017. Với giá tham chiếu trong ngày đầu tiên là 11.400 đồng/cổ phiếu, biên độ dao động phiên đầu tiên là +/-40%, QTP sẽ giao dịch trong khoảng từ 6.840 đồng/cổ phiếu đến 15.960 đồng/cổ phiếu. QTP cũng là doanh nghiệp thứ 500 giao dịch trên UPCoM.

Được thành lập từ năm 2002, Nhiệt điện Quảng Ninh hiện vận hành 4 tổ máy thuộc dự án Nhiệt điện Quảng Ninh 1 và Nhiệt điện Quảng Ninh 2. Tổng công suất vận hành các nhà máy đạt 1.200MW bằng 10% công suất nhiệt điện than của cả nước. Sản lượng là 7,2 tỷ kWh/năm

Nhà máy Nhiệt điện Quảng Ninh là dự án quan trọng nằm trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2006-2015 có xét đến 2025 (gọi tắt là Quy hoạch Điện VII).

Nhà máy Nhiệt điện Quảng Ninh tăng cường cấp điện cho khu vực tam giác kinh tế Hải Phòng - Hà Nội - Quảng Ninh; giảm vốn đầu tư xây dựng lưới điện 110/220 kV tại khu vực và trở thành một trong các trung tâm nhiệt điện lớn nhất cả nước.

QTP có vốn điều lệ 4.500 tỷ đồng. Tính đến ngày 01/12/2016, Công ty có 5 cổ đông lớn nắm tổng cộng gần 90%, bao gồm Tổng công ty Phát điện 1 (Genco 1- nắm 42%), CTCP Nhiệt điện Phả Lại (nắm 16,35%), TCT Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước - SCIC (nắm 11,42%), TCT Điện lực – Vinacomin (nắm 10,62%) và CTCP Cơ Điện Lạnh (REE, nắm 9,35%). Cổ đông sáng lập là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã bán hết vốn và không còn sở hữu cổ phiếu nào.

Tổng sở hữu của nhà đầu tư tổ chức 98,69%, chỉ có hơn 1,31% tương ứng chưa tới 4,4 triệu cổ phần thuộc về nhà đầu tư cá nhân.

Nguồn: Bản cáo bạch QTP

Sản lượng điện sản xuất và thương phẩm của QTP tăng đều trong những năm gần đây. Năm 2016, sản lượng điện sản xuất của Công ty đạt 7,09 tỷ kWh đạt 98,5% công suất thiết kế, sản lượng điện thương phẩm đạt 6,45 tỷ kWh.

Nguồn: Bản cáo bạch QTP

Nguyên vật liệu chính sử dụng trong sản xuất điện là than đốt với khối lượng tiêu thụ hàng năm là 3,4 triệu tấn (nếu 2 dự án đi vào hoạt động hết công suất). Toàn bộ nguồn nguyên liệu này đang được lấy từ mỏ Hòn Gai (Quảng Ninh) mua từ Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam và Tổng công ty Đông Bắc.

Bên cạnh đó, dự án của Công ty được đặt ở vị trí thuận lợi (tại khu vực có trữ lượng than lớn nhất cả nước), do đó các chi phí vận chuyển được giảm thiểu và tính ổn định của nguồn cung khá đảm bảo. Một số nguyên liệu khác được sử dụng là nước đã khử khoáng và một số vật tư tiêu hao, FO, DO, Hygen (chất tẩy ôxy) và xút, axit.

Nhiệt điện Quảng Ninh phát huy lợi thế gần nguồn than nguyên liệu nên biên lợi nhuận gộp vượt trội so với các doanh nghiệp điện cùng ngành như nhiệt điện Bà Rịa (mã:BTP), nhiệt điện Phả Lại (mã:PPC) và nhiệt điện Ninh Bình (mã: NBP).

Nguồn: BCTC các doanh nghiệp

Lỗ do biến động tỷ giá

Doanh thu của Công ty chủ yếu đến từ hoạt động chính là sản xuất và phân phối điện, duy trì tăng trưởng ổn định dưới sức ép cạnh tranh đến từ các đổi thủ cùng ngành. Doanh thu bán điện năm 2016 đạt 8.730 tỷ đồng (chiếm 99,91% tổng doanh thu).

Nguồn: Bản cáo bạch QTP

Năm 2016, QTP có lãi 366 tỷ đồng nhưng lỗ lũy kế tới 31/12/2016 là 1.483 tỷ đồng. Tính đến 31/12/2016, công ty vẫn còn khoản lỗ luỹ kế 1.483 tỷ đồng.

Công ty đang phải chịu khoản vay ngoại tệ lớn đến từ việc nhận nợ lại thỏa thuận giữa EVN và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc theo Hợp đồng tín dụng với tổng giá trị khoản vay là 763,2 triệu USD. Thời hạn vay từ 120 tháng đến 166 tháng với lãi suất là 5,1%/năm – 5,3%/năm.

Năm 2015, công ty bị lỗ tỷ giá 631 tỷ đồng. Công ty được phép phân bổ khoản lỗ này trong 5 năm, nên chỉ ghi nhận một phần vào kết quả hoạt động kinh doanh 2015 là khoảng 115 tỷ đồng. Mặc dù vậy, Công ty phải ghi nhận khoản lỗ tỷ giá chưa phân bổ của giai đoạn đầu tư và năm 2011 vào năm tài chính 2015 là 1.260 tỷ đồng nên Công ty phát sinh lỗ 1.321 tỷ đồng.

Ngoài ra năm 2015 là năm tài chính khó khăn nhất khi Công ty chưa lường trước được một số yếu tố có tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh như chi phí phát sinh từ khoản tiền thuê đất giai đoạn 2007-2014 phải nộp ngân sách Nhà nước; chi phí khấu khao tài sản cố định do Công ty tăng tài sản quyết toán dự án.

Trong báo cáo tài chính năm 2016 của mình, Công ty nhấn mạnh về việc có khả năng tạo ra các dòng tiền trong tương lai để thanh toán các khoản nợ phải trả khi đến hạn. Nhiệt điện Quảnh Ninh hiện cũng nắm trong tay nhiều tài sản đảm bảo có giá trị.

Ngành điện sẽ có nhu cầu lớn trong tương lai cùng với sự tăng trưởng của nền kinh tế. Lĩnh vực công nghiệp, xây dựng được đẩy mạnh khiến nhu cầu về điện tăng cao, riêng đối tượng khách hàng này đã chiếm tới 50% sản lượng tiêu thụ điện cả nước. Nhu cầu điện dân sinh sẽ tăng trưởng lớn do ảnh hưởng thay đổi khí hậu

Mạng lưới truyền tải điện cũng theo đà được nâng cấp thuận lợi hơn trong tương lai. Giá bán điện nhiều khả năng sẽ được Chính phủ cho phép điều chỉnh tăng nhằm mục tiêu chuẩn bị cho quá trình xây dựng thị trường điện cạnh tranh và khuyến khích đầu tư trong lĩnh vực. Ngoài ra một lợi thế không thể bỏ qua của Nhiệt điện Quảng Ninh, doanh nghiệp này hiện đang nằm trên vựa than lớn nhất cả nước, điều này khiến cho chi phí nguyên vật liệu sẽ được giảm đi đáng kể và là lợi thế to lớn đối với các doanh nghiệp nhiệt điện khác.

Trong năm 2017, công ty phấn đấu doanh thu cán mốc 9.100 tỷ đồng, tăng rưởng 4,3%, lợi nhuận dự kiến mức 320 tỷ.